- Nga mở cửa căn cứ chống IS ở Syria cho phóng viên quốc tế / Mỹ bị nghi lập căn cứ không quân ở Syria
Phóng viên Steve Rosenberg của BBC. Ảnh: BBC |
Phóng viên của kênh BBC cùng nhiều báo chí quốc tế tuần trước được Nga mời tham quan căn cứ tại Syria, trong chuyến đi kéo dài 4 ngày. Trước đó, hồi tháng 11, quân đội Nga cũng từng mở cửa căn cứ không quân Hmeimim cho báo giới, nhưng phóng viên Steve Rosenberg cho biết rất nhiều điều đã thay đổi kể từ đó.
Trên chiếc máy bay Ilyushin Il-62, Rosenberg cùng đồng nghiệp bay từ một phi trường quân sự ở ngoại ô Moscow tới căn cứ không quân Hmeimim, gần tỉnh Latakia của Syria.
Trong suốt thời gian tại Hmeimim, các phóng viên thường xuyên thấy những luồng khói từ các máy bay ném bom cất và hạ cánh. So với lần tới thăm trước đó, giờ Nga đã đưa vào sử dụng thêm một đường băng nữa.
Đằng sau đường băng là một tổ hợp tên lửa đất đối không S-400, được triển khai sau khi một cường kích Nga bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11. Các phóng viên được tận mắt thấy bom đạn được đưa lên các máy bay.
Phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc Nga làm hàng trăm dân thường thiệt mạng do sử dụng bom không dẫn đường. Phóng viên Rosenberg đã đặt câu hỏi này với người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, trung tướng Igor Konashenkov.
"Không hề có bằng chứng nào", ông Konashenkov nói. Vị tướng này là người duy nhất được trả lời phóng viên tại căn cứ. Họ không được phép phỏng vấn các binh sĩ Nga tại đây.
Tại một khu vực khác của căn cứ, quân đội Nga cho các phóng viên thấy nhiều hàng viện trợ nhân đạo được chất lên một máy bay vận tải. Số hàng này sẽ được thả bằng dù xuống các làng mạc quanh thành phố Deir al-Zour, đông Syria, nơi đang bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bao vây.
Hàng viện trợ nhân đạo được đưa lên máy bay vận tải. Ảnh: BBC |
Hải quân hùng hậu
Sau chuyến tham quan căn cứ không quân, phóng viên được đưa tới thăm các tàu hải quân Nga. Các nhân viên báo chí quân đội Nga không hề báo trước lịch trình mỗi ngày, vì vây, mỗi khi lên xe buýt vào buổi sáng, phóng viên quốc tế không biết họ sẽ đi đâu.
Sau một thời gian di chuyển về phía nam, dọc bờ biển tới Tartus, cơ sở hải quân của Nga hiện ra. Nga xây dựng cơ sở này từ thời Liên Xô. Thực tế, đây không hẳn là một căn cứ hải quân, mà đúng hơn là trạm sửa chữa và tiếp tế cho các tàu chiến. Tuy nhiên, nó là cơ sở duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải, và do đó, có ý nghĩa rất lớn với Nga.
Việc tiếp cận các tàu chiến Nga là chuyện hiếm hoi với giới phóng viên, nhưng nhóm của Rosenberg đã được phép lên tàu khu trục Phó đô đốc Kulakov. Nhiệm vụ chính của tàu là tìm diệt tàu ngầm địch. Khi tàu khởi hành, thuyền trưởng Varik dẫn các phóng viên đi tham quan.
"Chúng tôi được dẫn đi xem ống phóng ngư lôi. Lớp vỏ của ống phóng được trang trí hình đại bàng hai đầu, biểu tượng của nước Nga. Tàu còn có tên lửa và đại bác hải quân 100 mm để đánh chìm tàu ngầm địch", Rosenberg cho biết.
Trước câu hỏi của ông Rosenberg về việc vì sao IS không sở hữu tàu ngầm, nhưng Nga vẫn điều động tàu săn ngầm tới Syria, thuyền trưởng cho biết có những mối đe dọa khác mà các thủy thủ của ông phải tính tới, như "các phần tử khủng bố sử dụng xuồng cao tốc chở thuốc nổ".
Ở phía xa, đoàn phóng viên có thể thấy một tuần dương hạm tên lửa Nga có tên Varyag. Sự hiện diện của các chiến hạm Nga tại Địa Trung Hải không chỉ dừng lại ở cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. "Đó là một thông điệp tới thế giới rằng Nga có vị thế của một cường quốc toàn cầu", Rosenberg nhận định.
Nắp ống phóng ngư lôi trên tàu có trang trí hình đại bàng hai đầu. Ảnh: BBC |
Vết sẹo chiến tranh
Ngày hôm sau, phóng viên phương Tây được đưa tới dãy núi ngoại ô Latakia. Sau hành trình dọc theo những con đường nhỏ xuyên qua các ngôi làng, đoàn xe đi ngang qua những vườn cam, quýt, chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ của những đỉnh núi tuyết phủ trắng. Vẻ đẹp của thiên nhiên hoàn toàn tương phản với sự khốc liệt của cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 5 tại Syria.
Sau khoảng một giờ, đoàn xe dừng lại. Tất cả cùng mặc áo chống đạn và chuyển sang đi xe bọc thép trong chặng cuối hành trình. Trong xe, các phóng viên cố gắng nhìn qua ô cửa sổ nhỏ hẹp để tìm hiểu chuyện gì xảy ra bên ngoài.
Khi tới gần Salma, những vết sẹo chiến tranh tại đây ngày một rõ ràng: những ngôi nhà bị phá hủy, tường nhà chi chít lỗ đạn, những hố sâu do đạn cối tạo ra, một chiếc xe tăng cháy rụi.
Vì sự an toàn của phóng viên, quân đội Nga yêu cầu cả đoàn chỉ lưu lại Salma 40 phút. Quân đội Syria đã chiếm lại ngôi làng từ phiến quân một tuần trước đó, với sự yểm trợ trên không của Nga. Nhưng một số ngôi nhà tại đây được cho là vẫn còn bị gài mìn.
Các phóng viên được đưa tới Salma, nơi những vết sẹo do chiến tranh để lại hiện rõ. Ảnh: BBC |
Sau đó, cả đoàn trở lại căn cứ không quân Nga và thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng, trước khi lên máy bay trở lại Moscow.
"Cảm nhận chung của tôi trong chuyến đi 4 ngày này là chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, cùng sự hiện diện quân sự của họ tại đây, có vẻ sẽ lâu dài", Rosenberg cho biết.
"Tổng thống Vladimir Putin đã hứa rằng chiến dịch tại Syria sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định", Rosenberg nói, "nhưng ngay lúc này, thời điểm kết thúc có vẻ còn rất xa vời".
Hoàng Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét