Trung Quốc đi trên dây ở Trung Đông

Trung Quốc đi trên dây ở Trung Đông Trong chuyến công du ba nước Trung Đông vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải "đi trên dây" để đảm bảo sự cân bằng trong mối quan hệ đối với các quốc gia vốn tồn tại nhiều bất đồng.
  • Trung Quốc - Iran thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện  /  Nga, Mỹ tranh hùng, Trung Quốc đắc lợi tại Trung Đông
trung-quoc-di-tren-day-o-trung-dong

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước tới thăm ba nước Trung Đông là Ai Cập, Iran và Arab Saudi. Chuyến công du diễn ra ngay sau khi các lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran được gỡ bỏ sau khi cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên Hợp Quốc thông báo Tehran đã thu hẹp chương trình hạt nhân của mình. Song, nó cũng được thực hiện vào đúng thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Tehran và Riyadh gia tăng sau vụ việc Iran hồi đầu tháng xử tử giáo sĩ Hồi giáo người Shiite Nimr al-Nimr.

Không ít nhà phân tích cho rằng ông Tập đang muốn tìm cách xoa dịu bất đồng giữa hai cường quốc khu vực Trung Đông để từ đó củng cố vai trò của Trung Quốc tại điểm nóng của thế giới này, theo DW. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho hay nước này không nghiêng về bất cứ bên nào. "Đối với một số vấn đề khu vực, Trung Quốc sẽ giữ vị trí cân bằng và luôn như vậy", ông Trương nói.

Thúc đẩy ngoại giao

Việc ông Tập tới thăm Trung Đông giữa lúc quan hệ giữa Iran và Arab Saudi không "xuôi chèo mát mái" khiến giới quan sát suy đoán rằng Trung Quốc đang cố gắng biến mình trở thành một trung tâm hòa giải.

Nhưng theo ông Flynt Leverett, giáo sư nghiên cứu về các mối quan hệ quốc tế từ Đại học Penn State, những ý kiến đó chỉ là "thổi phồng" bởi để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, Trung Quốc phải lên kế hoạch suốt cả năm trước đó.

"Trung Quốc chỉ đưa ra thông điệp kêu gọi các bên kiềm chế và cùng nhau đối thoại để giảm bớt căng thẳng. Ngoài điều đó ra, nước này không tìm kiếm một vai trò ngoại giao nào cả", ông Leverett nhận định.

Zhiqun Zhu, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell, đồng tình với ý kiến này, vì theo ông, lợi ích chính của Trung Quốc ở Trung Đông nằm ở lĩnh vực kinh tế và chiến lược. Vậy nên chuyến thăm của ông Tập không nhằm giải quyết các tranh chấp khu vực.

"Những ai cho rằng Trung Quốc sẽ hành động như một bên trung gian nhằm nối liền khoảng cách giữa Iran - Arab Saudi đã phải thất vọng", ông Zhu nói.

Cùng chung quan điểm, ông Andrew Small, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ German Marshall, Mỹ, nhận định Bắc Kinh dường như không thực sự mong muốn thực hiện chuyến thăm Arab Saudi và Iran trong hoàn cảnh hiện tại.

"Vấn đề sẽ trầm trọng hơn nếu ông Tập đến thăm nước này nhưng lại bỏ qua nước khác. Chính vì thế, Trung Quốc vẫn phải tiến hành chuyến công du, coi như được 'ghép thêm vào'", Small nói.

Theo ông, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng khi cân nhắc việc có trở thành một nhân tố chính trị quan trọng ở Trung Đông hay không. "Các nước liên quan tới căng thẳng không nài nỉ sự can thiệp của Trung Quốc với tư cách một trung gian hòa giải và Bắc Kinh cũng không có động lực để làm vậy", Small nhấn mạnh.

trung-quoc-di-tren-day-o-trung-dong-1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/1 hội kiến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải). Ảnh: AFP

Cơ hội vàng trước khi mọi chuyện xấu đi

Ông Tập từng dự tính ​​đến thăm Arab Saudi và Ai Cập hồi đầu năm ngoái và tới Iran trong một chuyến đi sau đó. Tuy nhiên, Arab Saudi khi ấy đang phát động một chiến dịch quân sự ở Yemen, do đó, kế hoạch bị hoãn lại.

"Sự trì hoãn này trở thành một đề tài chính trị vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là với Iran bởi Tehran từ lâu đã rất mong mỏi lãnh đạo Bắc Kinh đến thăm", Small đánh giá. Nhưng theo ông, còn một lý do khác dẫn tới quyết định này là Trung Quốc muốn chờ đợi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực.

Việc cân nhắc quá lâu cho một chuyến công du Trung Đông cũng cho thấy khu vực này là thách thức chính trị khó khăn đến nhường nào đối với ban lãnh đạo Trung Quốc, Small bình luận. Việc ông Tập chỉ dành 5 ngày để công du cả ba quốc gia cũng phần nào thể hiện sự cẩn trọng của Trung Quốc. Ông Tập từng đến thăm một mình vương quốc Anh cũng trong 5 ngày.

"Ông Tập dường như muốn tránh các rủi ro chính trị hơn là đứng ra hòa giải. Để làm điều đó, ông phải thăm cả Iran và Arab Saudi nhằm duy trì sự cân bằng giữa các bên. Trung Quốc quyết định thực hiện chuyến công du vào thời điểm này cũng có thể là do họ coi đây là một cơ hội trước khi tình hình xấu đi", Michal Meidan, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Chính sách Chatham House, trụ sở ở Anh, đánh giá.

Không chỉ vì dầu mỏ

Iran đang sẵn sàng mở cửa chào đón thế giới một lần nữa. Nhiều người cho rằng đây là một yếu tố thúc đẩy Trung Quốc triển khai các hành động để củng cố mối quan hệ của họ với khu vực. Thực tế, có khá nhiều lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn đẩy mạnh hợp tác với Trung Đông, từ công nghệ vệ tinh tới năng lượng tái tạo hay công nghệ hạt nhân.

Từ những năm 1990, Trung Quốc đã coi Iran và Arab Saudi là hai trong những nhà cung cấp dầu quan trọng nhất của họ. Mối liên kết này tạo điều kiện để các bên cùng mở rộng mối quan hệ kinh tế. Trung Quốc từ đó trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa và đầu tư lớn nhất vào cả Iran và Arab Saudi.

Hơn nữa, theo ông Leverett, Trung Quốc đang nhận ra sự cần thiết của việc phải giành lấy một vị trí nào đó, dù nhỏ bé, trong cán cân quyền lực tại vịnh Persia để "ngăn chặn thế bá quyền rõ ràng của Mỹ", đồng thời giảm thiểu khả năng Washington lợi dụng dầu làm vũ khí chống lại Trung Quốc.

"Điều này khiến Iran trở nên ngày càng quan trọng trong toan tính chiến lược của Bắc Kinh", ông Leverett nói. Kết quả là Trung Quốc sẽ hành động nhanh chóng để cố gắng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tận dụng được toàn bộ những lợi thế từ sự mở cửa của Iran.

Theo chuyên gia Meidan, việc chuyến thăm của ông Tập diễn ra sau khi trừng phạt của phương Tây đối với Iran được gỡ bỏ thực sự là điều may mắn cho Bắc Kinh. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư và mở rộng thị phần tại quốc gia Trung Đông này.

"Nếu Iran có thể hồi phục kinh tế một cách mạnh mẽ sau khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, đây sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như sản xuất ôtô, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng cũng như sản xuất hàng tiêu dùng", Rajiv Biswas, trưởng ban phân tích kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc công ty phân tích IHS, bình luận.

Tuy nhiên, theo Small, Iran thừa biết rằng, một khi đã mở cửa, họ chắc chắn sẽ có thêm nhiều đối tác khác trong thời gian sắp tới. Vì thế, họ không muốn bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

trung-quoc-di-tren-day-o-trung-dong-2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/1 gặp vua Arab Saudi Salman bin Abdul Aziz al-Saud (phải) tại Riyadh. Ảnh: Xinhua

Mặt khác, Arab Saudi cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc, với tư cách là một nhà cung cấp dầu chủ chốt. Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2015 nhập khẩu từ Arab Saudi tới một triệu thùng dầu mỗi ngày.

"Vì Arab Saudi là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc nên việc nâng tầm quan hệ song phương có ý nghĩa quyết định đối với chiến lược an ninh năng lượng trong dài hạn của nước này", Biswas cho hay.

Trung Quốc và Ai Cập đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thế nên, chuyến thăm của ông Tập tới quốc gia này cũng được nhìn nhận như một cách để Bắc Kinh đề cao vai trò của Cairo đối với họ.

"Thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực Trung Đông là điều vô cùng quan trọng đối với sự thành công của sáng kiến 'Một Vành đai - Một Con đường'. Vậy nên, tăng cường hợp tác phải là chủ đề chính của chuyến thăm mà ông Tập thực hiện", nhà phân tích Zhiqun Zhu nhấn mạnh.

Trọng Nghĩa

Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét